Kỹ thuật câu hỏi gài trong xây dựng bảng câu hỏi khảo sát là một thủ thuật khá hay để chúng ta có thể loại bỏ đi các phiếu khảo sát mà đáp viên chỉ trả lời qua loa cho xong. Bằng việc sử dụng hai câu hỏi cùng chung một nội dung, ngăn cách nhau bởi nhiều câu hỏi khác để tránh việc đáp viên nhận ra hai câu hỏi tương tự nhau. Nếu đáp viên trả lời hai câu hỏi này với hai đáp án trái ngược nhau hoàn toàn, nghĩa là đáp viên đang có nhận định không rõ ràng về vấn đề được hỏi hoặc không hợp tác trong quá trình khảo sát.
Ví dụ, một bảng khảo sát được chia làm nhiều phần, phần giữa chúng ta sử dụng dạng câu hỏi Likert 5 mức độ đánh giá các biến quan sát HL1 đến HL3 của thang đo “Sự hài lòng”, tiếp sau đó sau đó là phần thông tin cá nhân với một loạt các câu hỏi về nhân khẩu học.
Câu 1. Giới tính của Anh/Chị?
- Nam
- Nữ
Câu 2. Xin vui lòng cho biết, Anh/Chị nằm trong độ tuổi nào?
- Từ 18 – 25 tuổi
- Từ 26 – 35 tuổi
- Từ 36 – 45 tuổi
- Trên 45 tuổi
Câu 3. Xin vui lòng cho biết, trình độ học vấn hiện tại của Anh/Chị?
- Trung cấp
- Cao đẳng
- Đại học
- Sau đại học
Câu 4. Anh/Chị có mong muốn làm việc lâu dài ở công ty không?
- Có
- Không
Để ý phần bôi đỏ câu HL1 và câu hỏi gài Câu 4 ở cuối phiếu khảo sát. Hai câu hỏi này cùng một nội dung, chỉ có sự khác biệt cách dùng từ ngữ và đáp án. Nếu ở câu HL1, đáp viên chọn mức điểm 4, 5 nhưng câu 4 lại chọn đáp án “Không” nghĩa là đang có sự mâu thuẫn trong cách trả lời của đáp viên này, đây là một phiếu kém chất lượng cần loại bỏ khỏi nghiên cứu. Tương tự cho trường hợp đáp viên chọn mức điểm 1, 2 câu HL1 nhưng câu 4 lại chọn đáp án “Có”.
Một cách sử dụng câu hỏi gài khác là sử dụng “tính cùng chiều thang đo” đã đề cập ở phần Đảo bảo tính đơn hướng thang đo. Xét thang đo “Tiền lương” ở ví dụ bên dưới.
Tác giả đã bổ sung một biến ảo TL5 cùng nội dung với TL1 nhưng xây dựng ngược chiều với biến TL1.
Một đáp viên trả lời TL1 điểm 4, 5 và TL5 cũng điểm 4, 5 (tương tự trường hợp cả hai biến đều có điểm 1, 2) đồng nghĩa có sự mâu thuẫn trong đáp án. Điều này thường xảy ra khi đáp viên không chú tâm đọc nội dung câu hỏi, chỉ nhìn lướt qua hoặc trả lời qua loa. Những phiếu khảo sát như thế này khả năng rất cao là phiếu kém chất lượng, chúng ta cần xem xét loại bỏ khỏi dữ liệu để tránh gây ảnh hưởng xấu lên các kiểm định, phân tích về sau.
Lưu ý rằng, tùy số lượng câu hỏi của phiếu khảo sát mà chúng ta có thể sử dụng một, hai hoặc ba,… câu hỏi gài trong bảng câu hỏi để lọc triệt để các phiếu khảo sát không hợp lệ. Khi sử dụng kỹ thuật này, một mặt cần có sự giãn cách giữa câu hỏi gài với câu hỏi gốc, mặt khác chúng ta nên linh động trong cách dùng từ ngữ và bố trí câu hỏi một cách phù hợp. Câu hỏi gài là một mẹo của người nghiên cứu, chỉ nên đưa vào phiếu khảo sát nếu phiếu khảo sát đó chúng ta phân phối cho đáp viên trả lời. Khi trình bày trong nội dung luận văn, nghiên cứu chúng ta không nên đưa các câu hỏi này vào.