1. Lý do cần phải chọn mẫu
Mục đích cuối cùng của nghiên cứu là tìm hiểu được đặc điểm của tổng thể, nghĩa là chúng ta cần thu thập dữ liệu của tổng thể nghiên cứu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như chi phí quá cao, tốn quá nhiều thời gian,… mà người nghiên cứu chỉ thu thập dữ liệu của một nhóm trong tổng thể nghiên cứu, nhóm này được gọi là mẫu nghiên cứu. Ví dụ, tập đoàn PepsiCo thực hiện nghiên cứu về sự hài lòng của khách hàng tại Việt Nam đối với sản phẩm nước giải khát Pepsi Cola, khả năng có thể khảo sát được toàn bộ khách hàng trên toàn Việt Nam gần như là con số 0. Thử tượng tượng bao nhiêu chi phí, thời gian, nhân lực, khó khăn sẽ gặp phải chúng ta có thể nhìn trước được tính khả thi của nghiên cứu này.
Khi một mẫu được chọn ngẫu nhiên và được sử dụng cho nghiên cứu thực nghiệm, những kết quả thu được từ mẫu này có thể khái quát hóa trở lại tổng thể. Ví dụ, hiệu trưởng trường quan tâm rằng việc giao nhiều bài tập về nhà có ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh không, có thể thực hiện nghiên cứu trên một nhóm sinh viên được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ trường. Kết quả nghiên cứu từ mẫu này sau đó sẽ có thể khái quát để suy diễn ra cho toàn bộ học sinh của trường.
2. Sai số trong chọn mẫu
Quá trình chọn mẫu và thực hiện khảo sát khó có thể đạt được kết quả hoàn hảo, sẽ có những sai số nhất định:
- Tổng thể là quá lớn nên chúng ta sẽ sử dụng mẫu để nghiên cứu, và từ tính chất của mẫu để suy ra tính chất của tổng thể. Sai số sẽ luôn tồn tại khi chọn mẫu nghiên cứu nếu kích thước mẫu nhỏ hơn tổng thể nghiên cứu (một số nghiên cứu vì tổng thể khá nhỏ nên kích thước mẫu bằng kích thước tổng thể). Kích thước mẫu càng tăng, sai số do chọn mẫu càng giảm và khi mẫu nghiên cứu tăng dần tới kích thước tổng thể, sai số này tiến về 0, nghĩa là không có sai số do chọn mẫu.
- Các sai số do việc phỏng vấn, do việc thu thập phiếu khảo sát, do ghi chép lại kết quả khảo sát, do nhập liệu, hiệu chỉnh,… Sai số loại này càng tăng nếu kích thước mẫu càng tăng.
3. Kỹ thuật chọn mẫu
Khi thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm, chúng ta cần thu thập thông tin từ đáp viên. Nhưng đâu sẽ là các tiêu chuẩn để chúng ta quyết định chọn người này mà không chọn người kia, chúng ta sẽ đi qua các kỹ thuật chọn mẫu trong phần này. Có 2 kỹ thuật chọn mẫu chính là: phi xác suất và theo xác suất:
- Chọn mẫu phi xác suất (non-probability sampling): phương pháp chọn mẫu mà trong đó người nghiên cứu chọn đối tượng khảo sát một cách ngẫu nhiên. Người nghiên cứu có thể chọn theo cảm tính, theo ý muốn chủ quan, theo sự thuận tiện,… Chính vì vậy, các tham số thu được từ kỹ thuật chọn mẫu này không thể dùng để ước lượng, suy ra tính chất tham số của tổng thể.
- Chọn mẫu theo xác suất (probability sampling): phương pháp chọn mẫu mà trong đó người nghiên cứu đã biết được xác suất lượng đối tượng tham gia khảo sát. Với cách chọn mẫu này, các tham số thu về có thể dùng để ước lượng, suy ra tính chất của tham số tổng thể.
Mỗi kỹ thuật chọn mẫu có những ưu nhược điểm cũng như tính ứng dụng khác nhau, cùng xem qua bảng so sánh giữa hai phương pháp này dưới đây.
Tiêu chí | Chọn mẫu phi xác suất | Chọn mẫu theo xác suất |
---|---|---|
Ưu điểm | Thuận tiện, ít tốn thời gian và chi phí | Thể hiện được tính chất của tổng thể nghiên cứu |
Nhược điểm | Ít thể hiện được tính chất của tổng thể nghiên cứu | Tốn nhiều thời gian và chi phí |
Ứng dụng | Áp dụng cho các nghiên cứu sơ bộ, khám phá, các nghiên cứu không quá phức tạp | Áp dụng cho các nghiên cứu chính thức, các nghiên cứu quy mô lớn |
Trong mỗi kỹ thuật chọn mẫu theo xác suất và phi xác suất bao gồm nhiều phương pháp chọn mẫu chi tiết. Mỗi phương pháp sẽ có tính ứng dụng và điểm mạnh, điểm hạn chế khác nhau.
Xem tiếp: Chọn mẫu xác suất và phi xác suất trong nghiên cứu