Website chỉ chia sẻ kiến thức, không giải đáp thắc mắc, không tư vấn!

Tạo biến, nhập liệu câu hỏi mở trong SPSS

SPSS October 9, 2021

Câu hỏi mở là dạng câu hỏi không có các đáp án lựa chọn có sẵn mà người được khảo sát sẽ tự điền đáp án theo ý kiến của bản thân. Để dễ hiểu hơn, chúng ta xét ví dụ sau đây: Anh/Chị có đóng góp gì để công ty cải thiện sự hài lòng của nhân viên trong công việc:

……………………………………………………………

……………………………………………………………

Thường trong bảng khảo sát, câu hỏi mở sẽ được trình bày với hình thức giống như ví dụ. Kết thúc câu hỏi sẽ là một vài dòng trống để đáp viên ghi vào ý kiến của mình.

  • Người 1: Công ty cần cải thiện hệ thống máy lạnh do máy hay hỏng; mở thêm nhiều chương trình đào tạo để nâng cao trình độ nhân viên.
  • Người 2: Công ty cần đổi ghế cứng sang ghế dựa xoay để nhân viên làm việc thoải mái hơn; hỗ trợ cho nhân viên đi học các khóa học chuyên môn; đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa team building để tăng tính gắn kết giữa các nhân viên; thưởng cuối năm của công ty rất thấp, có người không có thưởng.
  • Người 3: Cấp quản lý đang có vấn đề, cách quản lý và giám sát nhân viên quá khắt khe, chi li tới mức không cần thiết, làm cho nhân viên bị tâm lý, không có được sự thoải mái khi làm việc; chính sách phúc lợi công ty chưa tốt so với mặt bằng các công ty hiện tại.

Đây là dạng câu hỏi yêu cầu quá trình mã hóa phức tạp nhất, mất thời gian nhiều nhất. Chúng ta cần liệt kê ngắn gọn câu trả lời của người được hỏi thành từng tiêu chí riêng biệt, sau đó đặt tên chung cho những tiêu chí thuộc cùng một nhóm. Thực hành mã hóa, nhập liệu câu hỏi mở trong SPSS với ví dụ ở trên:

Bước 1: Liệt kê câu trả lời thành các ý nhỏ

Người 1: cải thiện máy lạnh; đào tạo nhân viên.

Người 2: cải thiện ghế làm việc; hỗ trợ nhân viên học tập; tăng cường teambuilding; thưởng cuối năm thấp.

Người 3: xem xét lại cách giám sát của quản lý; cải thiện chính sách phúc lợi.

Bước 2: Đặt tên chung cho các ý nhỏ

STTTiêu chíNhóm
1cải thiện máy lạnhCơ sở vật chất
2đào tạo nhân viênĐào tạo
3cải thiện ghế làm việcCơ sở vật chất
4hỗ trợ nhân viên học tậpĐào tạo
5tăng cường teambuildingCải thiện quan hệ đồng nghiệp
6thưởng cuối năm thấpThưởng, phúc lợi
7xem xét lại cách giám sát của quản lýCải thiện quan hệ với lãnh đạo
8cải thiện chính sách phúc lợiThưởng, phúc lợi

Như vậy sẽ có năm nhóm tiêu chí chung bao gồm: (1) Cơ sở vật chất, (2) Đào tạo, (3) Quan hệ với đồng nghiệp, (4) Quan hệ với lãnh đạo, (5) Thưởng, phúc lợi.

Bước 3: Gán tên nhóm thành giá trị

Gán mỗi nhóm một giá trị giống như câu hỏi đóng, như vậy chúng ta sẽ chuyển câu hỏi mở thành câu hỏi đóng. Cách gán như sau:

ma hoa nhap lieu cau hoi mo spss

Trong quá trình gom nhóm các tiêu chí cùng một nhóm ý nghĩa lại với nhau, chúng ta cần chú ý giữ cho số lượng nhóm càng ít càng tốt, không nên để số nhóm vượt quá 10. Khi gán giá trị vào mục Values, chúng ta cần tạo một nhóm giá trị là Khác chứa những ý kiến được ít người đề xuất, những tiêu chí không nằm trong hoặc rất ít liên quan đến những nhóm tiêu chí đã được liệt kê. Tóm lại, quy trình mã hóa cho câu hỏi mở sẽ là:

ma hoa nhap lieu cau hoi mo spss

Kinh nghiệm khi xây dựng câu hỏi khảo sát, nếu “câu nào đóng được hãy đóng”. Câu hỏi mở tuy có ưu điểm là có thể thu thập được các ý kiến không nằm trong đánh giá của người nghiên cứu. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là có quá nhiều câu trả lời bởi mỗi đáp viên có một cách dùng từ ngữ, cách hiểu câu hỏi khác nhau. Quy trình ba bước chuyển đổi câu hỏi mở thành đóng ở trên chiếm của chúng ta rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt với những nghiên cứu có cỡ mẫu lớn. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đáp viên không hợp tác trong quá trình khảo sát, họ có thể điền các cụm từ, đáp án vô nghĩa hoặc không điền đáp án. Chính vì vậy, nếu không phải bắt buộc phải dùng câu hỏi mở, hãy ưu tiên sử dụng câu hỏi đóng trong đa số trường hợp.