1. Thang đo định danh – Nominal
Các con số chỉ dùng để phân loại các đối tượng, chúng không mang ý nghĩa nào khác. Về thực chất thang đo định danh là sự phân loại và đặt tên cho các biểu hiện và ấn định cho chúng một con số ký hiệu tương ứng. Ví dụ: Trong bảng khảo sát có câu hỏi “Bạn đang công tác tại phòng ban nào trong công ty”. Các đáp án là:
- Phòng kinh doanh
- Phòng marketing
- Phòng nhân sự
- Phòng kế toán
Thang đo định danh giúp bạn quy ước các cá nhân trả lời câu hỏi này thành các biểu hiện có thể có của biến “Phòng ban làm việc”. Bạn có thể quy ước đặt Phòng kinh doanh = 1, Phòng marketing = 2, Phòng nhân sự = 3, Phòng kế toán = 4. Những con số này mang định danh vì rõ ràng bạn không thể cộng chúng lại hoặc tính ra giá trị trung bình của “Phòng ban làm việc”. Người nghiên cứu hay nhầm lẫn giữa thang đo định danh và thang đo thứ bậc, nên nói theo một cách dễ hiểu, các giá trị trong thang đo định danh sẽ không có sự sắp xếp tăng giảm theo thứ tự, các giá trị đều ngang vai trò với nhau.
Các câu hỏi hay gặp trong nghiên cứu:
- Giới tính (Nam, Nữ)
- Phòng ban làm việc (Marketing, Nhân sự, Kinh doanh, Kế toán…)
- Nghề nghiệp (Công nhân, Bác sĩ, Kỹ sư, Nông dân, Giáo viên…)
2. Thang đo thứ bậc – Ordinal
Thang đo thức bậc khá tương tự thang đo định danh, tuy nhiên các con số lại được sắp xếp theo một quy ước nào đó về thứ bậc, về sự hơn kém, nhưng ta không biết được chính xác khoảng cách giữa chúng. Điều này có nghĩa là bất cứ thang đo thứ bậc nào cũng là thang đo định danh nhưng không thể suy ngược lại rằng thang đo định danh là thang đo thứ bậc. Ví dụ: Trong bảng khảo sát có câu hỏi “Bạn hài lòng như thế nào về chất lượng dịch vụ viễn thông của Viettel?”. Các đáp án là:
- Không hài lòng
- Bình thường
- Hài lòng
Với câu hỏi này bạn có thể quy ước các cá nhân trả lời theo 3 biểu hiện của sự hài lòng. Nghĩa là bạn có thể đo lường người được phỏng vấn theo mức độ họ hài lòng với chất lượng dịch vụ viễn thông Viettel. Đặt Không hài lòng = 1, Bình thường = 2, Hài lòng = 3. Ở đây chúng ta đã sắp xếp mức độ hài lòng tăng dần theo con số ký hiệu, sự hài lòng tăng lên bậc cao hơn, giá trị con số đại diện cũng tăng lên. Người có câu trả lời được mã hóa bởi số 3 sẽ có mức độ hài lòng cao hơn người mang số 2 hoặc số 1. Tuy nhiên, chúng ta không biết được là người đó hài lòng gấp hai lần hay gấp năm lần hoặc chỉ là hài lòng hơn những người ở mức 1 một chút mà thôi. Tính thứ bậc của thang đo thể hiện ở việc giá trị, đáp án trả lời được sắp xếp theo một thứ tự tăng hoặc giảm. Ở ví dụ trên, sự hài lòng tăng dần, con số cũng tăng dần, ngoài ra bạn cũng có thể ký hiệu sự hài lòng tăng dần, các con số giảm dần. Điểm khác biệt dễ thấy nhất, thang đo thứ bậc giống với thang đo định danh, tuy nhiên giá trị sẽ có sự sắp xếp tăng giảm.
Các câu hỏi hay gặp trong nghiên cứu:
- Độ tuổi (Dưới 18, Từ 18 – 30, Từ 31 – 50, Trên 50)
- Thâm niên làm việc (Dưới 1 năm, Từ 1 năm đến dưới 3 năm, Từ 3 năm trở lên)
- Thu nhập (Dưới 3 triệu, Từ 3 triệu đến dưới 7 triệu, Từ 7 triệu đến dưới 10 triệu, Trên 10 triệu).
3. Thang đo mức độ – Scale
Thang đo mức độ có hai dạng phổ biến: định khoảng và tỷ lệ. Định khoảng là một dạng đặc biệt của thang đo thứ bậc vì nó cho biết khoảng cách giữa các thứ bậc với nhau. Với thang đo định khoảng, khoảng cách giữa các giá trị liên tiếp là bằng nhau. Ví dụ rất phổ biến trong nghiên cứu đó là các thang đo với một dãy các chữ số liên tục và đều đặn như từ -3 đến 3, từ 1 đến 5, từ 1 đến 10. Có thể thấy rằng, trong việc đo lường thái độ thì thang đo mức độ cung cấp nhiều thông tin hơn so với thang đo thứ bậc. Sự hơn kém được quy ra các con số liên tiếp nên có thể phần nào đánh giá được mức độ tại từng điểm thang đo. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh giá mức giá trị này gấp/kém mức giá trị kia bao nhiêu lần, do thang đo định khoảng không có một giá trị gốc tuyệt đối làm mốc so sánh.
Dạng thang đo mức độ thứ hai là thang đo tỷ lệ. Thang đo này cung cấp thứ hạng và sự khác biệt bằng nhau giữa thứ hạng đồng thời nó có điểm gốc thực sự dùng cho việc so sánh, tính toán. Ví dụ, người A năm nay 40 tuổi, số tuổi sẽ gấp đôi người B mới chỉ 20 tuổi; học sinh X cao 1.5 mét, học sinh Y cao 1.6 mét, học sinh Z cao 1.65 mét, trung bình ba học sinh này có chiều cao là (1.5+ 1.6 + 1.65)/3 = 1.58 mét.
Các câu hỏi hay gặp trong nghiên cứu:
- Câu hỏi dạng thang đo Likert 1-5, 1-7, 1-9…
- Câu hỏi dạng để trống và điền vào một con số: Cân nặng của bạn là … (kg); Số thành viên trong gia đình của bạn là … (thành viên); Số tín chỉ bắt buộc bạn phải hoàn thành để tốt nghiệp ra trường là … (tín chỉ)…